Đô thị trục di sản Đông – Tây thành phố Đà Lạt có gì đặc biệt?
Phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất và tạo ra các chuỗi giá trị mới
Ngày 14/11/2022, UBND thành phố Đà Lạt đã có Tờ trình 7599/TTr-UBND gửi Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đề nghị thẩm định, trình phê duyệt đồ án thiết kế đô thị trục di sản Đông – Tây thành phố Đà Lạt - tỷ lệ 1/500. Khu vực lập thiết kế đô thị bao gồm các đường Hoàng Văn Thụ - Trần Phú - Trần Hưng Đạo - Hùng Vương.
Trục di sản cũng là trục giao thông chính theo hướng Đông - Tây của thành phố Đà Lạt, chứa các đầu mối giao thông quan trọng kết nối thành phố Đà Lạt và địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng cũng như với các tỉnh lân cận.
UBND thành phố Đà Lạt cho biết, ranh giới bao trùm các khu vực cần thiết bảo vệ và cần tái cấu trúc, tổng chiều dài khoảng 6,5km. Diện tích ranh nghiên cứu là 282,627 ha và diện tích ranh thiết kế là 241,993 ha.
Đồ án thiết kế đô thị đề xuất một tầm nhìn, chiến lược dài hạn cùng kế hoạch thực hiện, nhằm củng cố hình ảnh chuỗi không gian đô thị của trục di sản đầy hấp dẫn và giàu bản sắc.
Đồng thời tổ chức hình thái không gian kiến trúc và cảnh quan trong khu vực nghiên cứu và đưa ra các hướng dẫn về thiết kế, chỉnh trang các công trình kiến trúc, không gian công cộng dọc theo trục di sản.
Cùng với đó là thiết lập hệ thống các công cụ kiểm soát phục vụ cho công tác quản lý kiến trúc cảnh quan và chuẩn bị đầu tư xây dựng, nhằm phát huy tối đa hiệu quả sử dụng đất và tạo ra các chuỗi giá trị mới.
Đồ án cũng cung cấp các mục tiêu và chính sách quan trọng trong việc phát triển khu vực nghiên cứu.
Về quy hoạch sử dụng đất, trong tổng số 241,993 ha khu vực thiết kế nêu trên, sẽ có 168.771 m2 đất công cộng – dịch vụ, thương mại tổng hợp; 4.442 m2 đất công cộng đơn vị ở; 272.343 m2 đất ở biệt lập 50%; 236.182 m2 đất ở liên kế; 68.708 m2 đất ở liên kế phố; 15.243 m2 đất ở thương mại; 1.974 m2 đất ở chung cư; 428.855 m2 đất du lịch hỗn hợp;...
Động lực phát triển mới của du lịch Lâm Đồng
Đồ án thiết kế đô thị trục di sản Đông – Tây thành phố Đà Lạt gồm có 4 đoạn.
Tổ chức không gian thiết kế cảnh quan với đoạn 1 từ thác Cam Ly đến vòng xoay Hoàng văn Thụ - đường Ba Tháng Hai, có chức năng du lịch tham quan, du lịch sinh thái.
UBND thành phố Đà Lạt đề xuất đoạn 1 phân thành 3 khu vực.
Bên cạnh đó đoạn 2 được xác định từ vòng xoay Hoàng Văn Thụ - đường Ba Tháng Hai đến nút giao thông Bà Triệu - Trần Phú. Đoạn đường này đang có xu hướng phát triển dịch vụ ngày càng nhộn nhịp, có điều kiện thuận lợi kết nối tốt với khu Hòa Bình thông qua đường 3 tháng 2.
Đoạn 2 có chức năng phát triển dịch vụ lưu trú cao cấp, du lịch MICE.
Ngoài ra còn có đoạn 3, từ nút giao thông Bà Triệu - Trần Phú đến vòng xoay Trần Hưng Đạo - Ba Tháng Tư - Hồ Tùng Mậu.
Đoạn 3 có chức năng hành chính, giáo dục, công viên cây xanh, phát triển dịch vụ lưu trú cao cấp, du lịch MICE, du lịch tham quan.
Cuối cùng là đoạn 4, từ vòng xoay Trần hưng Đạo - Ba Tháng Tư - Hồ Tùng Mậu đến Ngã ba Trần Quý Cáp.
Đoạn này có 4 khu vực, với chức năng phát triển du lịch tham quan, du lịch kết hợp mua sắm, dịch vụ lưu trú cao cấp.
Riêng về giải pháp tổ chức giao thông, UBND thành phố Đà Lạt cho biết, quy hoạch đường giao thông trong khu vực thiết kế tuân thủ theo Quy hoạch chung và các dự án, quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.
Tại khu vực, tuyến xe điện được thành lập nhằm phục vụ người dân và du khách đi dạo tham quan trục di sản cũng như đi đến các địa điểm du lịch trong khu vực.
Bến xe điện được đặt ở Quảng Trường thành phố, kết hợp với bãi xe hiện tại của siêu thị BigC. Từ đây, tuyến xe điện đi theo đường Hồ Tùng Mậu hai hướng Đông và Tây để tiếp cận trục chính Trần Phú - Trần Hưng Đạo.
Song song với đó là tuyến dã ngoại xe đạp được thiết kế dọc trục Trần Hưng Đạo - Hùng Vương với không gian đường phố thoáng đãng, mát mẻ, nhiều cảnh đẹp. Trên tuyến hỗ trợ các điểm dừng và điểm cho thuê xe đạp có vị trí kết hợp với các trạm dừng xe buýt và điểm ngắm cảnh.
Chưa hết, tại khu vực còn có mạng lưới đi bộ trải đều rộng khắp, dọc theo các trục cảnh quan, đi từ trục cảnh quan chính Đông Tây dẫn về khu trung tâm Hòa Bình, suối Cam Ly, công viên Ánh Sáng, Quảng Trường, trục suối khu dân cư Phạm Hồng Thái, Ga Đà Lạt, Dinh 1...
Các tuyến đường này có cảnh quan đẹp, giao thông kết nối thuận lợi, hoặc có tiềm năng phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ sầm uất.
UBND thành phố Đà Lạt cho biết, thiết kế đô thị tạo nên một chuỗi tổng thể kiến trúc cảnh quan cho trục di sản Đông Tây với tính chất sinh động, hiện đại ở phần trung tâm và thoáng đãng và yên bình dần về hai phía Đông và Tây.
Thông qua các công trình kiến trúc, cây xanh mặt nước, không gian đường phố, hệ thống cảnh quan trục di sản Đông -Tây được thiết kế tạo nên các khu vực đặc trưng, nhấn mạnh sự đa dạng của đô thị, ghi khắc tiến trình phát triển của thành phố.
Qua đó thúc đẩy phát triển các hoạt động tương ứng gồm hoạt động ở, thương mại dịch vụ du lịch, dã ngoại, vui chơi, giao lưu… làm tăng hiệu quả sử dụng không gian, tăng tính kết nối cộng đồng và phát triển nền kinh tế du lịch của thành phố.
Đặc biệt, thiết kế đô thị trục di sản Đông - Tây còn tạo điều kiện và cơ sở chung cho các biện pháp bảo tồn di sản, trên quan điểm bảo tồn các giá trị vật chất lẫn tinh thần, từ cục bộ công trình đến các không gian ảnh hưởng và liên kết, tạo nên hệ thống không gian đô thị đặc sắc thuộc khu trung tâm lịch sử của thành phố.
Từ đó tăng hiệu quả khai thác di sản và phát triển du lịch, cũng như tạo khung định hướng bảo tồn khu vực trên tiến trình phát triển thành phố trong tương lai.